Trẻ bị tiêu chảy cấp thường có những triệu chứng khá ồ ạt, đặc biệt trong 3 ngày đầu của bệnh. thời gian trẻ bị tiêu chảy cấp có thể từ 7-14 ngày tùy theo thể trạng, vì vậy cha mẹ cần sớm đưa ra những biện pháp khắc phục kịp thời.
1. Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy.
Trẻ bị tiêu chảy hay tiêu chảy cấp, nguyên nhân chủ yếu là do virus, vi khuẩn, kí sinh trùng xâm nhập. Trong đó, tác nhân chính gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ là do Rotavirus.
Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy còn do một số nguyên nhân khác như sử dụng thuốc kháng sinh (diệt cả vi khuẩn có lợi trong ruột), dị ứng thức ăn, vệ sinh kém, dinh dưỡng không hợp lý …
2. Những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị tiêu chảy cấp.
Việc xác định trẻ có bị tiêu chảy hay không chẳng phải chuyện dễ dàng đối với các bậc phụ huynh, trẻ càng nhỏ càng khó xác định bởi lẽ trẻ nhỏ có tần suất đi tiêu nhiều lần.
Trẻ ở trạng thái bình thường.
- Thông thường, trẻ dưới 6 tháng tuổi đi tiêu trung bình từ 3-10 lần trong một ngày, phân của trẻ ở dạng sệt, lỏng, nhiều màu vàng, xanh hoặc nâu.
- Trong khi đó, trẻ từ 1 tuổi trở lên thường đi tiêu trung bình 1-2 lần/ngày. Trẻ bú sữa mẹ dễ sản xuất phân nhiều hơn và phân có nước nhiều hơn so với những trẻ uống sữa công thức.
Trẻ bị tiêu chảy cấp.
- Tần suất đi tiêu thường gấp đôi so với bình thường.
- Trẻ bị tiêu chảy thường có phân dạng lỏng, nhiều nước, mùi hôi tanh.
- Trẻ có dấu hiệu biếng ăn, bú kém, sốt, buồn nôn, mệt mỏi, quấy khóc, đau bụng, cơ thể khó chịu…
Trẻ bị tiêu chảy cấp, trong 3 ngày đầu thường có những triệu chứng khá ồ ạt. Mẹ cần chú ý quan sát tần suất đi tiêu và dạng phân của con để chuẩn đoán chính xác. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy thường kèm theo đau bụng vì đường ruột của trẻ phải hoạt động quá nhiều và nhanh, sự khó chịu trong cơ thể, mệt mỏi khiến trẻ ăn ít hoặc thậm chí biếng ăn.
Sau 3 ngày đầu, các triệu chứng tiêu chảy cấp sẽ giảm dần, đến ngày thứ 5 sẽ trở về trạng thái bình thường, tần suất đi tiêu giảm và dạng phân cũng không còn lỏng nước như trước đó.
3. Nếu không điều trị tiêu chảy cấp kịp thời, có thể nguy hiểm như thế nào?
Trẻ bị tiêu chảy cấp rất nguy hiểm. Đặc biệt, các cơ quan trẻ nhỏ vẫn chưa hoàn thiện hoàn toàn, cơ thể non yếu thì bệnh càng trở nên trầm trọng hơn so với người lớn.
- Trẻ bị tiêu chảy liên tục, tần suất nhiều lần nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng mất nước, mất muối, các hoạt động suy yếu dần, cơ thể mệt mỏi, trì trệ
- Biếng ăn, chán ăn lâu dầu sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng
- Có nguy cơ tử vong cao.
4. Trẻ bị tiêu chảy nên làm gì?
Dựa vào những dấu hiệu trên đây, cha mẹ cần biết cách chăm sóc, điều trị và bảo vệ trẻ đúng cách. Bên cạnh việc chăm sóc điều trị bệnh tiêu chảy cấp, mẹ cũng nên quan tâm nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng và vấn đề vệ sinh cho trẻ.
Đưa ra các giải pháp chăm sóc, điều trị bệnh cho trẻ
- Nếu trẻ sốt từ 38 độ trở nên, cha mẹ nên tìm cách hạ sốt cho trẻ. Có thể hạ sốt bằng thuốc hoặc áp dụng các mẹo vặt dân gian tùy theo độ tuổi của trẻ.
- Nếu trẻ nôn ọe nhiều, đồng nghĩa với việc dạ dày đang rất yếu, không thể chấp nhận được khối lượng thức ăn lớn. Vì vậy mẹ không nên ép con ăn quá nhiều, đặc biệt là các thức ăn nhiều đạm.
Quan tâm nhiều hơn đến vấn đề vệ sinh cho trẻ nhỏ.
Trẻ nhỏ bị tiêu chảy cấp, do đang trong tình trạng bệnh nên cần được quan tâm nhiều hơn đến vấn đề vệ sinh để hạn chế tối đa sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại. Chú trọng vệ sinh phần hậu môn, mông và tay chân của trẻ sau mỗi lần đi tiêu, nên sử dụng khăn mềm, nước ấm để lau khô, đảm bảo độ khô thoáng thoải mái cho trẻ.
Chú ý những đồ chơi mà trẻ thường sử dụng. Hạn chế tối đa việc ngậm, mút đồ chơi vì đây có thể là nguồn lây lan vi khuẩn, sẽ gây hại hơn trong thời điểm cơ thể trẻ nhạy cảm.
Chú trọng chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị tiêu chảy cấp
Trẻ bị tiêu chảy cấp, hệ tiêu hóa trở nên suy yếu hơn, đường ruột và dạ dày rất nhạy cảm nên cần chú trọng liều lượng thức ăn khi cho trẻ ăn.
- Ưu tiên những món ăn thanh đạm hơn bình thường, nấu loãng hơn để trẻ dễ tiếp nhận thức ăn. Khi cho trẻ ăn, không nên giục giã, thúc ép hay gây sức ép với trẻ. Hãy để trẻ có một tâm lý thoải mái và tự nguyện khi tiếp nhận thức ăn.
- Cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường. Khi bị tiêu chảy cấp, lượng nước và muối trong cơ thể trẻ bị mất rất nhiều, vì vậy cơ thể cần được bù nước để lấy lại cân bằng. Đối với dưới 6 tháng tuổi, cần ưu tiên cho trẻ bú sữa mẹ hoặc dùng sữa công thức nhiều hơn.
- Không cho trẻ uống điện giải khi chưa có chỉ định của Bác sĩ. Ngoài ra, các mẹ cũng không nên cho trẻ uống quá nhiều nước trái cây nguyên chất vì trong nước trái cây có lượng đường lớn, có thể khiến dạ dày làm việc “cực nhọc” hơn. Nếu muốn trẻ uống nước trái cây, mẹ nên pha loãng cùng nước sôi để nguội.
- Nếu trẻ bị tiêu chảy do dị ứng thức ăn, mẹ nên đưa trẻ đi khám, hoặc tìm ra loại thực phẩm khiến trẻ bị dị ứng để loại bỏ. Cần nghiên cứu kỹ lưỡng các nhóm thực phẩm khi kết hợp để đảm bảo trẻ ăn ngon mà không bị dị ứng.
Trang bị kiến thức, hiểu biết và các kĩ năng phòng – trị bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ nhỏ là điều cần thiết đối với cha mẹ. Hãy là những cha mẹ thông thái để chăm sóc và bảo vệ con luôn khỏe mạnh.