Suy dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất cần thiết làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ, trường hợp nặng có thể gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
1. Phân loại trẻ bị suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng ở trẻ em được phân chia làm 3 loại khác nhau, bao gồm:
- Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: Được xét dựa trên tiêu chuẩn về cân nặng. Là tình trạng trẻ bị thiếu dinh dưỡng trong thời gian dài khiến trẻ bị đứng cân, chậm tăng cân hoặc tụt cân. Hậu quả là cân nặng của trẻ thấp hơn so với độ tuổi tiêu chuẩn.
- Suy dinh dưỡng thể thấp còi: Được xét dựa trên tiêu chuẩn về chiều cao. Là tình trạng trẻ thiếu dinh dưỡng dẫn đến người còi cọc, thấp bé, chiều cao không đạt tiêu chuẩn theo độ tuổi.
- Suy dinh dưỡng thể gầy còm: Phản ánh tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính, thường xảy ra khi cân nặng và chiều cao của trẻ bị tụt xuống, không đạt tiêu chuẩn theo độ tuổi thực tế.
2. Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng ở trẻ em không được xác định theo cảm tính mà cần dựa trên những tiêu chuẩn cụ thể. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết,trẻ bị suy dinh dưỡng thường có những dấu hiệu sau đây:
2.1 Trẻ chậm phát triển chiều cao, cân nặng
Chiều cao – cân nặng là những yếu tố vô cùng quan trọng để đánh giá sự phát triển của trẻ. Trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng trong trường hợp rất chậm tăng cân hoặc đứng cân trong vòng 3 tháng liên tục. Nếu trẻ có chiều cao thấp hơn 10% so với chiều cao tiêu chuẩn, cân nặng nhẹ hơn 20% so với tiêu chuẩn thì khả năng bị suy dinh dưỡng của trẻ khá cao. Vì vậy, mẹ cần thường xuyên theo dõi và đo lường chiều cao, cân nặng của trẻ để nắm bắt rõ tình hình. Ngoài ra mẹ có thể so sánh các số liệu theo dõi với bảng theo dõi chiều cao cân nặng tiêu chuẩn của trẻ để hiểu rõ hơn.
2.2 Trẻ lười ăn, biếng ăn, hay quấy khóc, ngủ không ngon giấc
Trẻ ăn ít, lười ăn thường dung nạp được rất ít chất dinh dưỡng vào cơ thể dẫn đến thiếu hụt dưỡng chất quan trọng. Tình trạng biếng ăn kéo dài sẽ kéo theo hàng loạt hậu quả như chậm tăng cân, người còi cọc, ốm yếu, ngủ không ngon giấc, trẻ có xu hướng thụ động, nhạy cảm, hay quấy khóc.
2.3 Trẻ hay ốm vặt, thường mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa
Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch non yếu và chưa hoàn thiện, vì vậy trẻ rất dễ ốm vặt, dễ bị lây bệnh từ người khác. Các bệnh thường gặp ở trẻ thường là ho, cảm, sốt, các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, khó tiêu, đi ngoài phân sống…
Hay ốm vặt là một trong những biểu hiện cho thấy khả năng suy dinh dưỡng của trẻ tăng cao. Bởi trẻ ốm vặt thường có sức đề kháng kém, dễ bị virus, vi khuẩn và các tác nhân bên ngoài xâm nhập gây bệnh thường xuyên, khả năng hồi phục lâu hơn những đứa trẻ bình thường. Ốm vặt kéo theo sự mệt mỏi của cơ thể, sự nhiễu loạn vị giác khiến trẻ không thiết ăn uống và lười ăn hơn. Vì vậy, trẻ vốn dĩ đã ốm yếu lại càng yếu hơn, sức khỏe và cân nặng sụt giảm nhanh chóng.
2.4 Trẻ chậm phát triển vận động: Chậm ngồi, chậm bò, chậm đi
Chậm phát triển vận động là một trong những dấu hiệu quan trọng cảnh báo trẻ bị suy dinh dưỡng. Nếu bé nhà bạn chậm ngồi, chậm bò, chậm biết đi, tóc mọc thưa, chậm mọc răng hơn so với các bạn cùng trang lứa thì mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
2.5 Trẻ kém linh hoạt, da nhợt nhạt, xanh xao, người mệt mỏi uể oải.
Quan sát một số đặc điểm bên ngoài của trẻ như nước da, hành vi, tính cách…mẹ cũng có thể nắm bắt được tình trạng sức khỏe của con. Trẻ bị thiếu chất dinh dưỡng cùng những vi chất quan trọng trong cơ thể thường có nước da nhợt nhạt, không hồng hào, gương mặt xanh xao, người mệt mỏi, uể oải, trẻ không nhanh nhanh linh hoạt khi vui chơi chạy nhảy…Thậm chí khả năng tư duy, học hỏi của trẻ cũng giảm sút.
Trên đây là một số dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ cao về suy dinh dưỡng. Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu này, mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cải thiện sức khỏe cho con bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng chế độ ngủ nghỉ, vận động khoa học.