Ăn dặm được xem là “mốc trưởng thành” đầu tiên của trẻ đánh dấu quá trình chuyển dần từ ăn hoàn toàn sữa mẹ, sữa công thức sang các loại thực phẩm chế biến ngoài như rau quả, thịt cá trứng sữa…
Khi nào nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm?
Cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, khả năng hấp thụ và sự phát triển của trẻ sau này. Chính vì vậy, các mẹ cần lưu ý những dấu hiệu dưới đây để quyết định thời điểm cho con ăn dặm hợp lý.
Khi thấy bé đói.
Thông thường, trẻ thường bắt đầu ăn dặm khi 6 tháng tuổi, lúc này trẻ thường bú ít sữa hơn và tăng khối lượng thức ăn mỗi bữa. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, nếu thấy bé có biểu hiện đói, đòi ăn các thực phẩm khác ngoài sữa thì chính là thời điểm vàng để áp dụng thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi.
Bé mất ngủ nhiều đêm
Bé thường có nhu cầu ăn đêm trong 1-3 tháng đầu đời, sau đó ít dần đi. Tuy nhiên, khi đến 5-6 tháng tuổi, nếu bé tỉnh dậy giữa đêm, đòi bú giữa đêm có nghĩa rằng bé đang đói và muốn được ăn thức ăn khác ngoài sữa. Lúc này, các mẹ có thể tập cho bé ăn dặm theo “bí kíp” đã chuẩn bị từ lâu.
Ánh mắt, biểu hiện của bé
Khi thấy ai đó đang ăn, bé thường nhìn theo với ánh mắt thèm thuồng, miệng nhai “tóp tép” bắt chước, điệu bộ hứng khởi như muốn ăn. Đây là thời điểm các mẹ có thể tập ăn dặm cho bé.
Bé tự bốc đồ ăn
Khi được ai đó cho bất kì đồ ăn gì, nếu bé có biểu hiện dùng tay bốc, chộp lấy để cho vào miệng ăn thì chính là lúc trẻ bắt đầu muốn ăn dặm.
Cho ăn giả để kiểm tra
Thông thường khi đưa thìa trước mặt, trẻ sơ sinh thường phản ứng đẩy thìa ra hoặc tránh né. Tuy nhiên, khi đưa thìa hoặc thức ăn gần miệng, nếu bé đang cố gắng mở miệng ăn thì đồng nghĩa rằng bé thời điểm ăn dặm đã đến.
Khi bé ngồi được
Các chuyên gia nhận định, bé sẽ chỉ ăn dặm khi có thể kiểm soát được đầu và cổ. Do đó, khi bé có thể ngồi được cũng là lúc bé có thể ăn dặm.
Những lưu ý khi cho trẻ ăn dặm
Để đảm bảo quá trình ăn dặm của trẻ diễn ra thuận lợi, bé ăn ngon và phát triển tốt, các mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
Về thực đơn và chất lượng bữa ăn dặm của trẻ.
- Ở giai đoạn mới bắt đầu ăn dặm, các mẹ nên cho trẻ ăn ít, sau đó khối lượng khẩu phần ăn tăng dần để trẻ làm quen với thức ăn. Không nên đốt cháy giai đoạn, cũng không nên hối thúc, ép buộc vì có thể khiến trẻ sợ ăn, biếng ăn.
- Không bảo thủ lựa chọn một phương pháp ăn dặm duy nhất, tốt hơn hết, các mẹ nên lắng nghe cơ thể của bé để linh động và lựa chọn thực đơn ăn dặm đúng cách. Hiện nay, có rất nhiều công thức, thực đơn ăn dặm cho bé được lan truyền trên các kênh truyền thông. Tuy nhiên, không phải công thức nào cũng phù hợp với độ tuổi, thể trạng của con mình. Một số trường hợp có thể khiến trẻ biếng ăn, còi xương, suy dinh dưỡng. Do đó, hãy là bà mẹ bỉm sữa thông thái biết chọn lọc kết hợp cùng bản năng làm mẹ của mình để chăm con thật tốt.
- Không phải cứ nhiều đạm là tốt cho cơ thể của trẻ. Việc các mẹ “tham lam” cho bé ăn nhiều đạm có thể khiến trẻ rối loạn tiêu hóa, biếng ăn. Sự lựa chọn tốt nhất cho bé chính là kết hợp hài hòa giữa các nhóm chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng thông qua thịt trứng, rau củ quả…
- Không nên cho bé uống nước cam đặc. Mặc dù nước cam rất tốt cho trẻ, tuy nhiên nếu sử dụng nước cam đặc có thể gây hại cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ. Chính vì vậy, các mẹ không nên cho con uống quá nhiều nước cam. Ngoài ra, mẹ có thể pha loãng nước cam với nước lọc để bé thưởng thức.
Lưu ý trong quá trình chế biến và bảo quản các món ăn dặm của trẻ.
- Không cho bé ăn mặn. Từ 6 tháng tuổi trở đi, trẻ bắt đầu giai đoạn ăn dặm. Tuy nhiên, giai đoạn này thận của bé chưa được phát triển hoàn thiện. Chính vì vậy, các mẹ không nên cho bé ăn mặn vì có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Tốt hơn hết, nên cho bé nguồn thức ăn tự nhiên, không nêm nếm gia vị cho đến khi bé 1 năm tuổi.
- Nên cho bé ăn dầu ăn. Trên thực tế, thành phần của dầu ăn chứa các nhóm axit béo giúp dẫn và hòa tan vitamin, đẩy nhanh quá trình hấp thu trong cơ thể. Ngược lại, nếu khẩu phần ăn dặm của bé không có dầu ăn, khả năng hấp thu vitamin của trẻ giảm khiến trẻ chậm lớn, còi xương, chậm tăng cân.
- Không nên hâm lại cháo quá nhiều lần. Hâm đi hâm lại nhiều lần sẽ khiến cháo bị mất chất, mất vitamin. Các mẹ có thể nấu một nồi cháo trắng riêng, khi đến mỗi bữa ăn, các mẹ chỉ cần cho thêm thịt, cá, rau, củ ra nồi nhỏ rồi quấy đều, đun sôi là sẽ có khẩu phần ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.
Trên đây là một số dấu hiệu giúp các mẹ nhận biết thời điểm bắt đầu ăn dặm của bé. Ngoài ra, các mẹ có thể tham khảo thêm 20 cách trị biếng ăn ở trẻ để tích lũy thêm kiến thức chăm con. Chúc các mẹ nhanh chóng nắm bắt được “thời điểm vàng” để cho con ăn dặm thành công!