Giữ ấm cho trẻ vào mùa đông là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp con ăn ngon ngủ tốt, cơ thể khỏe mạnh và ít ốm vặt. Tuy nhiên, việc giữ ấm không thể làm theo cảm tính của phụ huynh mà cần tuân thủ theo nguyên tắc khoa học.
Xem thêm
Những vitamin nào cần thiết cho trẻ vào mùa đông?
Chuyên gia khuyên: Không nên cho trẻ ăn 4 loại thực phẩm này vào mùa đông
Mùa đông nên cho trẻ ăn những thực phẩm gì?
Luôn nằm lòng quy tắc “4 ấm 1 lạnh”
Theo lý giải của chuyên gia, quy tắc “4 ấm 1 lạnh” bao gồm 4 ấm: bàn tay ấm, bàn chân ấm, lưng ấm, bụng ấm.
- Tay ấm: Đảm bảo giữ ấm sao cho trẻ không đổ mồ hôi
- Lưng ấm: Giữ lưng ấm vừa đủ, vì nếu ấm quá sẽ khiến trẻ đổ mồ hôi. Nếu không lau kịp sẽ khiến mồ hôi thấm ngược vào cơ thể dẫn đến cảm lạnh hoặc viêm phổi.
- Bụng ấm: Cần bảo vệ dạ dày non nớt của trẻ. Trường hợp bụng, dạ dày của trẻ lạnh sẽ tác động xấu đến hệ tiêu hóa cũng như khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể.
- Bàn chân ấm: Là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trong cơ thể trẻ, bàn chân chứa nhiều huyệt mạch nên cần giữ ấm, tránh trường hợp chân lạnh dễ khiến trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp
1 lạnh là gì? Ý nói đến cái đầu của trẻ. Đối với trẻ sơ sinh, 40% thân nhiệt tạo ra ở đầu, nhưng đây cũng là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Vì vậy, mùa đông vẫn cần giữ đầu trẻ được thoáng mát, thoải mái, không nên che đầu quá kín, đặc biệt khi trẻ đang ngủ hoặc đang ốm sốt. Khi đi ra ngoài nên đội mũ cho trẻ để tránh gió.
Giữ ấm cho trẻ khi ngủ
Về trang phục, khi ngủ cha mẹ nên để trẻ mặc thoáng, chất liệu quần áo co giãn thoải mái, đầu đội mũ. Gối ngủ cao vừa phải, chăn ngủ không quá dày và nặng sẽ cản trở hô hấp của trẻ trong lúc ngủ. Có thể chuẩn bị thêm túi giữ nhiệt để giữ ấm cho trẻ trong trường hợp cần thiết. Khi trẻ ngủ cần thường xuyên theo dõi, không để chăn gối phủ kín đầu trẻ.
Về không gian phòng, cần đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, nhiệt độ phòng trong khoảng 28 độ, tránh gió lùa trực tiếp vào phòng qua cửa sổ, cửa chính.
Giữ ấm cho trẻ khi tắm
Mùa đông cần lưu ý thời gian và tần suất tắm cho trẻ. Theo các chuyên gia, cho trẻ tắm vào thời điểm 10h -10h30 hoặc sau 13h-trước 16h là lý tưởng nhất. Kiêng tắm từ 11h-13h và cũng không nên tắm cho bé quá sớm hoặc quá muộn trong ngày. Tần suất tắm 2-3 lần/tuần, thời gian mỗi lần tắm không kéo dài quá 5 phút.
Về không gian, nếu tắm tại phòng ngủ, cần đảm bảo không khí ấm áp khi trẻ tắm bằng cách bật điều hòa, quạt sưởi nhưng tuyệt đối không chĩa trực tiếp vào người bé vì có thể khiến trẻ bị bỏng hoặc khô da. Nếu tắm trong nhà tắm cần đóng kín cửa, bật quạt sưởi trước cho không khí phòng tắm ấm áp khoảng 33-36 độ rồi mới cởi quần áo tắm cho trẻ.
Những thứ cần chuẩn bị trước khi tắm cho trẻ gồm quần áo, tất chân, bao tay, khăn lau khô. Khi mọi thứ đã đầy đủ thì mới tiến hành tắm cho trẻ. Nguyên tắc khi tắm cho trẻ: Nên rửa mặt đầu tiên, sau đó tắm toàn thân, gội đầu, cuối cùng là lau khô người rồi mặc quần áo ngay cho trẻ.
Giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài
Khi đi ra ngoài cần chuẩn bị trang phục đầy đủ gồm tất chân, bao tay, mũ đội, quần áo phù hợp với nhiệt độ bên ngoài. Nếu trời quá lạnh nên bổ sung khăn quàng cổ cho trẻ.
Nếu trẻ có những chuyến đi xa, nên chuẩn bị nhiều quần áo mỏng dày, áo trong, áo khoác, mũ đội, khăn quàng cổ…để thay đổi linh hoạt tùy theo nhiệt độ bên ngoài, có thể cho trẻ dùng khẩu trang hoặc khăn mỏng che mặt để tránh ảnh hưởng của khói bụi môi trường.
Giữ ấm cho trẻ bằng thực phẩm
Dinh dưỡng là yếu tố vô cùng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Đặc biệt vào mùa đông, trẻ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn trong việc giữ ấm cơ thể, chống lại cái giá lạnh của thời tiết, chính vì vậy cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, các nhóm chất cần thiết trong khẩu phần ăn gồm chất đạm, đường bột, chất béo, các vitamin và khoáng chất.
Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, mùa đông nên ưu tiên các thực phẩm giàu đường bột, chất béo, đạm và các thực phẩm nhiều vitamin E, D, C, B2…như cá hồi, nấm, bưởi, sữa, khoai, đu đủ, súp lơ xanh, cà rốt, tỏi…đây đều là những thực phẩm rất giúp cải thiện khả năng thích ứng của cơ thể trẻ nhỏ khi nhiệt độ xuống thấp, loại bỏ gốc oxy tự do, cải thiện tuần hoàn máu, ngăn ngừa tim mạch, tăng sức đề kháng và đẩy lùi các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi…
Ngoài ra, cha mẹ cần cho trẻ uống nước đầy đủ để giảm thiểu khả năng trẻ bị cảm cúm, cảm lạnh. Tạo thói quen cho trẻ uống nước sau mỗi bữa ăn hoặc sau mỗi lần vận động thể chất. Có thể thay đổi linh hoạt giữa nước lọc với nước trái cây cho trẻ uống. Khi đi ra ngoài nên chuẩn bị bình nước mang theo.
Giữ ấm cho trẻ toàn diện khi ở trong nhà, khi ngủ, khi tắm, khi đi ra ngoài là cách tốt nhất duy trì sức khỏe và sức đề kháng của trẻ nhỏ, đồng thời đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh trong mùa đông. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ theo tổng đài tư vấn miễn phí 1800 6523 để được chuyên gia tư vấn giải đáp.