6 nhóm thực phẩm quan trọng nên có trong bữa ăn của trẻ

Thực phẩm cung cấp nguồn dinh dưỡng quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí não. Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về 6 nhóm thực phẩm thiết yếu cho trẻ nhỏ để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn giúp trẻ ăn ngon chóng lớn nhé.

Xem thêm ⬇⬇⬇

Làm sao giúp trẻ ăn uống vui vẻ hơn?

Giúp trẻ tăng cân tốt hơn nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý

Điểm danh 6 nhóm thực phẩm quan trọng dành cho trẻ nhỏ.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để trẻ phát triển toàn diện cần đảm bảo nguồn dinh dưỡng khoa học, đặc biệt trong thức ăn của trẻ nên có 6 nhóm thực phẩm quan trọng sau đây:

  1. Nhóm thực phẩm giàu chất đường bột
  2. Nhóm thực phẩm giàu chất đạm
  3. Nhóm thực phẩm giàu chất béo
  4. Nhóm rau củ
  5. Nhóm trái cây
  6. Nhóm sữa.

Thực phẩm giàu đường bột

Bao gồm gạo, khoai mì, ngũ cốc, nui, bún, miến, phở, bánh mì, đậu, ngô, bánh quy làm từ ngũ cốc nguyên cám…Chiếm 60-65% tổng năng lượng khẩu phần ăn

Vai trò: Thực phẩm giàu đường bột giúp cung cấp năng lượng chính cho các hoạt động của cơ thể, là thành phần quan trọng cấu tạo nên các tế bào mô, giúp hỗ trợ phát triển trí não và hệ thần kinh, đồng thời cung cấp lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể.

6 nhóm thực phẩm quan trọng nên có trong bữa ăn của trẻ - Ảnh 1

Thực phẩm giàu chất đạm

Bao gồm thịt, hải sản như tôm, cua cá, trứng, sữa, các loại đậu, vừng, lạc…Trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi, nhu cầu đạm là 2g/kg cân nặng mỗi ngày. Trẻ từ 7-12 tháng tuổi cần 2,2g/kg cân nặng. Trẻ từ 13 -24 tháng tuổi cần 1,7g/kg cân nặng mỗi ngày.

Vai trò: Thực phẩm giàu đạm là nguyên liệu xây dựng tế bào, cơ, xương, răng, tạo dịch tiêu hóa, men, hormone…Bên cạnh đó, thực phẩm giàu chất đạm còn cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp vận chuyển các dưỡng chất và tăng sức đề kháng cho cơ thể.

6 nhóm thực phẩm quan trọng nên có trong bữa ăn của trẻ - Ảnh 2

Thực phẩm giàu chất béo

Bao gồm: Sữa, phô mát, bơ, hướng dương, vừng, lạc, các loại dầu thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành, dầu hạt cải…Trẻ từ 7 tháng tuổi trở đi có nhu cầu chất béo khoảng 40% trong tổng khẩu phần ăn.

Vai trò: Đây là nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng, thúc đẩy hấp thu các vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K, giúp phát triển nhanh các tế bào não và hệ thần kinh.

6 nhóm thực phẩm quan trọng nên có trong bữa ăn của trẻ - Ảnh 3

Nhóm rau củ

Bao gồm các loại rau xanh, củ quả như súp lơ, cải bó xôi, rau chùm ngây, rau ngót, cà rốt, bắp cải, rau dền, dưa chuột…

Vai trò: Rau củ cung cấp chất xơ giúp điều hòa nhu động ruột, cung cấp vitamin và khoáng chất, giúp đào thải chất độc, chống táo bón, tăng tải cholesterol, giúp da dẻ mịn màng. Ngoài ra, một số loại rau củ có tác dụng chữa bệnh rất tốt.

6 nhóm thực phẩm quan trọng nên có trong bữa ăn của trẻ - Ảnh 4

Nhóm trái cây

Bao gồm: Trái cây họ nhà quýt, cam, bưởi…chuối, táo, đu đủ, dứa, kiwi, nho…

Vai trò: Cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất, các chất chống oxy hóa cho cơ thể.

6 nhóm thực phẩm quan trọng nên có trong bữa ăn của trẻ - Ảnh 5

Nhóm sữa và các sản phẩm làm từ sữa

Bao gồm: Phô mát, sữa tươi, sữa chua…Nên cho trẻ uống 400 – 500ml sữa mỗi ngày

Vai trò: Sữa giàu dinh dưỡng, cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào, là nguồn dinh dưỡng bổ sung giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Đặc biệt, sữa có hàm lượng canxi cao giúp hệ xương, răng chắc khỏe, giúp trẻ tăng chiều cao tối ưu.

6 nhóm thực phẩm quan trọng nên có trong bữa ăn của trẻ - Ảnh 6

Lời khuyên bổ ích để trẻ ăn uống lành mạnh

6 nhóm thực phẩm trên đây đều rất cần thiết với trẻ nhỏ. Tuy nhiên không vì thế mà cha mẹ lạm dụng bừa bãi mà nên cân đối theo tỉ lệ phù hợp và lưu ý một số vấn đề sau đây.

  • Đối với bữa chính, nên cho trẻ ăn đủ 5 nhóm thực phẩm gồm chất đường bột, chất đạm, chất béo, rau củ và trái cây. Kết hợp khéo léo các loại thực phẩm với nhau để tạo nên những món ăn thơm ngon hấp dẫn, nên trang trí sinh động bắt mắt để trẻ ăn uống ngon miệng hơn.
  • Chú trọng khâu chọn mua thực phẩm, đảm bảo thực phẩm tươi ngon, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Cho trẻ ăn nhiều rau, trái cây để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Ngoài ra, cho trẻ ăn thêm váng sữa, sữa chua, hoa của như dứa, đu đủ…để tăng cường tiêu hóa khỏe mạnh.

Xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ lớn nhanh, khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch để phòng chống bệnh tật tốt hơn. Ngoài việc chế biến món ăn thơm ngon hấp dẫn, cha mẹ cũng cần lưu ý cách cho ăn khéo léo để việc ăn uống với trẻ trở nên vui vẻ, thoải mái mà không bị áp lực tâm lý dẫn đến lười ăn, biếng ăn.

Liên hệ